Công ty Supe Lâm Thao: Khó khăn trong cuộc chiến với phân bón giả

17/10/2019 | Lượt đọc: 14727

Chia sẻ với báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Quang Tuyến - Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết: Chưa bao giờ, thương hiệu phân bón Supe Lâm Thao lại cùng lúc đối diện với nhiều khó khăn như hiện tại. Từ phân bón giả, nhái, kém chất lượng, đến việc tiêu thụ gặp khó khăn vì người dân bỏ ruộng, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, rồi Luật Thuế Giá trị gia tăng 71/2014/QH13 quy định mặt hàng phân bón từ đối tượng chịu thuế GTGT 5% sang mặt hàng không chịu thuế… đã làm công ty mỗi năm mất đi hàng trăm tỷ đồng.

+

Nhiều thương hiệu phân bón có mẫu mã “na ná” Supe Lâm Thao

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Quang Tuyến - Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao bức xúc: thời gian qua, có đến hàng chục loại phân bón “na ná” phân bón Lâm Thao trên thị trường, từ logo ngoài bao bì đến màu sắc, kiểu dáng… Hơn nửa thế kỷ nay, thương hiệu “ba nhành cọ xanh” đã gắn liền với thương hiệu phân bón Lâm Thao. Chính vì thế, các hãng làm nhái cũng làm “ba nhành cọ xanh”, hoặc 4-5 nhành cọ xanh giống logo nhận biết quen thuộc của phân bón Lâm Thao. Thêm màu sắc và cá chi tiết ngoài bao bì cũng là hai màu xanh - đỏ quen thuộc. Ông Tuyến cho chúng tôi xem hàng loạt những bao bì của các công ty phân bón được cho là giống phân bón Lâm Thao đến hơn 90% từ hình ảnh ba nhành cọ xanh đặc trưng đến màu sắc, cách trình bày trên bao phân bón.

Và chiêu trò của các đại lý bán phân bón giả, nhái, kém chất lượng ngày càng tinh vi. Thực tế, người dân ở các vùng nông thôn chưa phân biệt được, họ cứ thấy hình ảnh “ba nhành lá cọ” giống của Lâm Thao là mua. Hơn nữa, các hãng phân bón giả, nhái thường chiết khấu rất cao cho đại lý. Chính vì thế, người dân đến mua được được “gợi ý” mua loại phân bón này, thay vì Supe Lâm Thao. Bên cạnh đó, các đại lý còn bày bán phân bón này cùng với phân bón Lâm Thao chính hãng theo dạng “bia kèm lạc”, tức là muốn mua hàng tốt thì phải mua kèm theo hàng chưa tốt thậm chí là giấu luôn hàng tốt đi, chỉ bán hàng có chiết khấu cao, không cần biết chất lượng thế nào.

Ông Tuyến cũng cho biết thêm, sản phẩm bị làm nhái phổ biến nhất là loại phân NPK-S Lâm Thao 5.10.3-8, bởi đây là sản phẩm truyền thống lâu đời. Điển hình một vụ việc vào tháng 7/2018, công ty đã nhận được thông tin phản ánh của bà con nông dân tại Đắk Glong – Đắk Nông khi mua phân bón ký hiệu 5.10.3 của Lâm Thao bón cho cây cà phê làm cho một vài cây có hiện tượng rụng trái, chết cành và rụng lá hàng loạt. Tuy nhiên, sau khi công ty cử cán bộ kỹ thuật đi kiểm tra thì phát hiện có một vài bao phân bón không phải của Lâm Thao nhưng được trà trộn bán chung với các bao chính hãng, chủ cửa hàng vì tham lợi nhuận đã tái sử dụng lại vỏ bao của Lâm Thao trong thời điểm nhu cầu của bà con đang rất cao mà hàng thì khan hiếm. Qua kiểm tra nhanh cho thấy, tổng hàm lượng dinh dưỡng chính của các bao này chưa đầy 1%.

Luật thuế Giá trị gia tăng khiến DN mất trăm tỷ mỗi năm

Từ năm 2015 đến nay, việc áp dụng Luật 71/2014/QH13 vào thực tiễn đã khiến công ty mỗi năm thiệt hại cả trăm tỷ đồng. Cụ thể, Luật này quy định các sản phẩm phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Phần thuế giá trị gia tăng đầu vào của các nguyên liệu, vật tư cho sản xuất và cho sửa chữa máy móc thiết bị không được khấu trừ phải đưa vào chi phí sản xuất, làm tăng giá thành sản phẩm phân bón tăng lên 3- 4%, làm giảm sự cạnh tranh của phân bón Lâm Thao. Ông Tuyến cho biết thêm, phân bón nhập khẩu được giảm 5% thuế VAT dẫn đến gia tăng khoảng cách về giá giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Sự chênh lệch giá này khiến sản xuất trong nước bị đình trệ, sản phẩm không bán được, doanh nghiệp khó khăn. Hàng năm Công ty Hóa chất Lâm Thao sản xuất 0,28 triệu tấn hóa chất và 1,6 triệu tấn phân bón, vật tư nguyên liệu nhập vào là nguyên liệu thô phải chịu thuế đầu vào từ 5-10% với tổng tiền thuế đầu vào trên 180 tỷ đồng. Tính từ 2015 đến nay, số tiền Supe Lâm Thao không được khấu trừ đầu vào lên đến gần 1000 tỷ đồng.

Mặt khác, phân bón nhập khẩu không chịu thuế GTGT có lợi thế về giá cạnh tranh gay gắt với sản phẩm sản xuất trong nước, đặc biệt các thị trường nhập khẩu gần, giá rẻ từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia,… nhập vào nước ta tăng làm sản lượng tiêu thụ phân bón của các doanh nghiệp sản xuất trong nước giảm đi rõ rệt.

Cần sự chung tay của cả nhà nước và người tiêu dùng

Để hạn chế vấn nạn sản xuất hàng giả, nhái, kém chất lượng, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng đưa ra một số kiến nghị: Về phía các cơ quan quản lý nhà nước: Thứ nhất, Supe Lâm Thao kiến nghị nhanh chóng điều chỉnh Luật Thuế GTGT 71/2014/QH13. Theo đó, mặt hàng phân bón từ đối tượng chịu thuế GTGT 5% sang mặt hàng không chịu thuế chứ không phải giảm thuế GTGT xuống 0%.

Thứ hai, cần thiết phải xây dựng quy hoạch ngành phân bón. Để thị trường phân bón được ổn định, tạo môi trường kinh doanh hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp sản xuất và người sử dụng phân bón thì cần phải có vai trò của các cơ quan chức năng đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương, ngành Nông nghiệp. Sự quản lý chặt chẽ và có hiệu quả sẽ bảo vệ được nhà sản xuất chân chính và bảo vệ được người nông dân sử dụng phân bón.

Đối với bà con nông dân, Supe Lâm Thao cũng khuyến cáo: Là những người trực tiếp mua và sử dụng phân bón cho các loại cây trồng, bà con nên mua phân bón của các công ty có uy tín, có thương hiệu, có xuất xứ rõ ràng. Tránh mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ham rẻ, không quá tin vào các đại lý bán hàng (vì các đại lý vì lợi nhuận định hướng cho người nông dân mua các loại phân bón có chất lượng kém nhưng mang lại lợi nhuận cao), cần học hỏi các kiến thức về phân bón, cách sử dụng phân bón, dấu hiệu nhận biết phân bón thật, phân bón giả để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt.

Nguồn: Baotainguyenmoitruong.vn

Từ khóa: ,