Giảm phát thải ngành phân bón, xu hướng tất yếu nhưng cần lộ trình lưỡng dụng

26/6/2023 | Lượt đọc: 74387

Như lĩnh vực khác, ngành phân bón cũng cần có trách nhiệm trong giảm phát thải, nhưng vì liên quan mật thiết tới an ninh lương thực nên cần lộ trình lưỡng dụng phù hợp.

+

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc PVCFC và lãnh đạo Hiệp hội Phân bón Việt Nam thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp phát triển xanh, giảm phát thải với doanh nghiệp ngành phân bón. Ảnh: Nguyên Huân.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Tổng Giám đốc PVCFC và lãnh đạo Hiệp hội Phân bón Việt Nam thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp phát triển xanh, giảm phát thải với doanh nghiệp ngành phân bón. Ảnh: Nguyên Huân.

Chia sẻ tại Hội thảo ngành phân bón với biến đổi khí hậu và nông nghiệp xanh do Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) và Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) vừa tổ chức tại Đất Mũi Cà Mau, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký FAV Phùng Hà, nhấn mạnh, sản lượng nông nghiệp toàn cầu sẽ ngay lập tức giảm 50% nếu không sử dụng phân bón, nhưng ngành phân bón cũng đang đóng góp tới 2,5% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu hiện nay.

Do đó, TS Phùng Hà cho rằng, giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất, kinh doanh và sử dụng với ngành phân bón không chỉ là xu thế mà cũng chính là trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội của các nhà khoa học và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Đây cũng là hành động thiết thực hưởng ứng cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị về biến đổi khí hậu COP26 tại Thụy Sỹ đã cam kết tới năm 2050 Việt Nam sẽ giảm phát thải ròng bằng "0".

Tuy nhiên, theo TS Phùng Hà, lựa chọn giải pháp, công nghệ và lộ trình chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường với ngành phân bón như thế nào cho phù hợp từ nay đến 2050 là một bài toán kinh tế cần được tính toán kỹ lưỡng, bài bản, tránh ồ ạt theo phong trào và khẩu hiệu, bởi trên thế giới đã có bài học hữu cơ hóa nền nông nghiệp thất bại từ đất nước Sri Lanka.

Thực tế, trong những năm qua, ngành phân bón, đặc biệt là từ khối doanh nghiệp cũng đã đạt được nhiều bước tiến đáng ghi nhận trong giảm phát thải thông qua áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, quy trình vận hành hiệu quả, vật liệu, nhiên liệu mới ít ô nhiễm môi trường và sử dụng hiệu quả phân bón trong canh tác,…

Theo TS Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký FAV, giảm phát thải trong ngành phân bón tại Việt Nam hiện nay là xu thế tất yếu nhưng cần lộ trình phù hợp. Ảnh: Nguyên Huân.

Theo TS Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký FAV, giảm phát thải trong ngành phân bón tại Việt Nam hiện nay là xu thế tất yếu nhưng cần lộ trình phù hợp. Ảnh: Nguyên Huân.

TS Lê Hoàng Kiệt - Trưởng ban Dự án Phát triển Sản phẩm mới và Giải pháp dịch vụ nông nghiệp PVCFC cho biết, doanh nghiệp đã và đang nghiên cứu, áp dụng thành công hàng loạt công nghệ, giải pháp tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu đầu vào, nâng cao hiệu quả sử dụng đầu ra đối các quy trình và sản phẩm của Phân bón Cà Mau.

Trong đó, PVCFC tập trung tối ưu hóa hiệu quả sử dụng các nguồn nguyên liệu đầu vào của Nhà máy Đạm Cà Mau, góp phần ứng dụng công nghệ xanh vào dây chuyền sản xuất hiện hữu của Nhà máy. Cụ thể, PVCFC đang trong quá trình nghiên cứu tiền khả thi các dự án sản xuất khí công nghiệp (Nitơ, Argon, Hydro xanh) và CO2 thực phẩm.

Đối với phát triển sản phẩm phân bón, PVCFC đã phát triển bộ giải pháp dinh dưỡng tổng hợp với công nghệ Bio-Coating, phức hợp Humate, công nghệ sinh học, công nghệ phân bón nhả chậm CRF và SRF và công nghệ BioMix,… để phát triển các dòng phân bón mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân, tăng năng suất cây trồng và khả năng chống chịu sâu bệnh, đồng thời đóng góp tích cực hiệu quả trong giảm phát thải khí nhà kính.

Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ Bio-Coating đã giúp PVCFC tạo ra các dòng sản phẩm đạm tiết kiệm (N.46 Plus), đạm kích kháng (N46. True), đạm sinh học (N.46 Rich), đạm vi sinh (Urea BiO) giúp giảm lượng phân đạm ure bón từ 15 - 20%, phù hợp với các chương trình giảm khí phát thải nhà kính nói chung và tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Ngoài ra, PVCFC cũng xây dựng bản đồ dinh dưỡng đất theo vùng sinh thái tích hợp với cơ sở dữ liệu hệ thống theo thời gian thực số hóa cơ sở dữ liệu đất và nhu cầu dinh dưỡng cây trồng để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và giảm phát thải khí nhà kính.

Một trong những giải pháp giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả nhất đối với ngành phân bón được các chuyên gia chỉ ra, đó là cải tiến, nâng cấp dây chuyền công nghệ, tiết kiệm năng lượng đầu vào và tăng hiệu suất, hiệu quả sử dụng sản phẩm đầu ra. Ảnh: Nguyên Huân.

Một trong những giải pháp giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả nhất đối với ngành phân bón được các chuyên gia chỉ ra, đó là cải tiến, nâng cấp dây chuyền công nghệ, tiết kiệm năng lượng đầu vào và tăng hiệu suất, hiệu quả sử dụng sản phẩm đầu ra. Ảnh: Nguyên Huân.

Đại diện Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao chia sẻ, doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc hưởng ứng và triển khai thực hiện theo chủ trương định hướng của Chính phủ về phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh,.

Vì vậy, trong những năm qua Supe Lâm Thao đã liên tục nghiên cứu, thử nghiệm, khảo nghiệm, xin cấp phép danh mục phân bón được lưu hành tại Việt Nam và tổ chức sản xuất đưa ra thị trường nhiều sản phẩm phân bón mới có chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và phát triển theo xu hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

Hiện, Supe Lâm Thao đã có một sản phẩm phân hữu cơ khoáng tích hợp thành phần phân bón vô cơ - hữu cơ, phân hữu cơ khoáng vi sinh tích hợp cả 3 thành phần phân bón vô cơ - hữu cơ - vi sinh vật có ích, sản phẩm phân bón vô cơ bổ sung vi sinh tích hợp vi sinh vật có ích trên nền phân bón vô cơ truyền thống.

Trong công đoạn sấy sản phẩm NPK Lâm Thao, doanh nghiệp đã nghiên cứu, triển khai áp dụng dùng khí nóng lò đốt bằng nhiên liệu sinh khối (cám cưa, trấu) thay thế lò đốt dầu FO đảm bảo năng suất, chất lượng và các yêu cầu kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu phát thải khí có chứa CO2 ra môi trường, qua đó đã giảm khoảng 3.500 tấn dầu FO/năm.

Về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Supe Lâm Thao đã tận dụng hơi nước và nhiệt thừa từ các dây chuyền sản xuất axít sunfuric để chạy tua bin phát điện, với sản lượng hơi tận dụng được phát điện với công suất trung bình 2Mwh, giảm tiêu thụ điện năng từ lưới điện quốc gia, góp phần sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính.

Công ty cũng đã áp dụng thay đổi công nghệ sản xuất phân bón supe lân đơn đi từ quặng apatit nguyên khai sấy nghiền <2% H2O và apatit tuyển sấy <6% H2O chuyển sang công nghệ sử dụng 100% quặng apatit tuyển ẩm không sấy (độ ẩm 18-21% H2O). Do dừng sấy quặng apatit nên hàng năm tiết kiệm khoảng 7.000 tấn than cám 5, giảm định mức điện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do đốt than,giảm lượng phát thải khí CO2­ và N2O ra môi trường.

Theo ThS Bùi Thanh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tiết kiệm năng lượng Bách Khoa, một trong những giải pháp hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất trong giảm phát thải khí nhà kính với doanh nghiệp sản xuất phân bón hiện nay chính là thông qua sử dụng hiệu quả năng lượng.

Ths Bùi Thanh Hùng lấy một ví dụ về áp dụng thành công các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành sản xuất phân bón tại Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.

Theo đó, thông qua việc thay thế hệ thống rửa đồng bằng hệ thống methal hóa, Đạm Hà Bắc đã tiết kiệm được 20% năng lượng. Sử dụng nước tuần hoàn thay thế cho nước công nghiệp có mức tiết kiệm năng lượng là 78%. Giải pháp thay thế máy nén H2/N2 bằng máy nén tuần hoàn tiết kiệm 33% năng lượng.

Nhất trí cao với xu hướng chuyển đổi xanh, giảm phát thải trong ngành phân bón, nhưng TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới lưu ý, với đặc thù dân số, diện tích canh tác và yêu cầu của thực tiễn hiện nay, Việt Nam gần như không thể chuyển dịch ngay lập tức từ nông nghiệp vô cơ sang nông nghiệp hữu cơ.

Thay vào đó, mô hình phù hợp và hiệu quả nhất với Việt Nam hiện tại đó là chuyển tiếp hiệu quả sang nên nông nghiệp hữu cơ khoáng. Trong đó, đặc biệt chú trọng các sản phẩm phân hữu cơ khoáng có tổng lượng NPK+Te>35%, bởi đây là giải pháp giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả lại giúp giữ được ổn định sản lượng và an ninh lương thực nước nhà.

Lộ trình kiểm kê khí nhà kính quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ

- Xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2023-2025

- Năm 2023: cung cấp thông tin, số liệu, xây dựng kế hoạch kiểm kê khí nhà kính

- Năm 2024: kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở, xây dựng báo cáo kiểm kê 02 năm/1 lần

- Năm 2025: hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở. Trước 31/12/2025: phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ 2026-2030, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ quản lý chuyên ngành, Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Giai đoạn 2026-2030: giảm phát thải, trao đổi tín chỉ cacbon

Để thực hiện kiểm kê khí nhà kính doanh nghiệp có thể thực hiện theo các bước chính sau:

Bước 1: Xác định ranh giới hoạt động và phương pháp kiểm kê khí nhà kính

Bước 2: Lựa chọn hệ số phát thải khí nhà kính

Bước 3: Lựa chọn và thu thập số liệu hoạt động kiểm kê khí nhà kính

Bước 4: Tính toán phát thải khí nhà kính

Bước 5: Kiểm soát chất lượng kiểm kê khí nhà kính

Bước 6: Đánh giá độ không chắc chắn của kiểm kê khí nhà kính

Bước 7: Tính toán lại kết quả kiểm kê khí nhà kính

Bước 8:  Xây dựng báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính

Trong giai đoạn khuyến khích 2023 - 2025, doanh nghiệp cần khẩn trương xây dựng kế hoạch giảm phát thải, triển khai các giải pháp phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của mình. Lượng phát thải khí nhà kính bắt buộc phải giảm từ năm 2026 nên khi triển khai kế hoạch này, doanh nghiệp sẽ đồng thời có sự chuẩn bị đầu tư công nghệ, xây dựng đội ngũ nhân lực thực hiện.

                                                                                                                         
                                                                                                                                                                                   Nguyên Huân

Từ khóa: , ,