Kiến nghị đưa thuế xuất khẩu một số loại phân bón về 0%

10/1/2024 | Lượt đọc: 72776

Ure, Supe lân, kali sulphate và DAP là những loại phân bón được kiến nghị đưa thuế xuất khẩu về 0%, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và kinh doanh.

+

Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách áp dụng thuế xuất khẩu mặt hàng phân bón theo các nguyên tắc mới.

Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách áp dụng thuế xuất khẩu mặt hàng phân bón theo các nguyên tắc mới.

Thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2023, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 của Chính phủ điều chỉnh chính sách áp dụng thuế xuất khẩu mặt hàng phân bón theo 2 nguyên tắc:

Thứ nhất, không áp dụng quy định xác định thuế suất thuế xuất khẩu theo giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng.

Thứ hai, áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng đủ phải giữ lại cho tiêu dùng trong nước và mức thuế suất thuế xuất khẩu 0% đối với loại phân bón trong nước đã sản xuất đủ nhu cầu hoặc dư thừa.

Điều chỉnh mức thuế theo đúng nguyên tắc hiện hành

Tham gia góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Công văn góp ý của Hiệp hội Phân bón Việt Nam gửi Bộ Tài chính cho rằng, việc áp thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với ure tại Nghị định 26 không nhất quán với quan điểm “áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu thấp hơn đối với các mặt hàng trong nước sản xuất đủ nhu cầu hoặc dư thừa”.

Nhu cầu urea của Việt Nam hàng năm dao động trong khoảng 1,7 – 2 triệu tấn trong khi tổng công suất sản xuất của 4 nhà máy ure trong nước khoảng 2,6 triệu tấn, như thế sản lượng sản xuất ure đã vượt cầu từ nhiều năm nay.

Trong khi đó, việc xuất khẩu urea từ Việt Nam đã bị cạnh tranh gay gắt bởi nguồn hàng ure từ một số quốc gia như Indonesia, Malaysia, Brunei… nơi các nhà sản xuất không phải chịu thuế xuất khẩu 5% như Việt Nam.

Mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đã làm giảm đi cơ hội kinh doanh, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của các nhà sản xuất trong nước, giảm năng lực cạnh tranh của các nhà sản xuất urea tại Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Do đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ áp thuế suất thuế xuất khẩu ure là 0%.

Theo số liệu thống kê, Supe lân sử dụng trực tiếp ở mức 500.000 tấn/năm, lượng Supe lân sử dụng cho sản xuất NPK vào khoảng 600.000 tấn/năm.  Nhu cầu về lân đơn tại Việt Nam có xu hướng giảm rõ rệt do người dân đang chuyển dần sang sử dụng các loại phân phức hợp 2 thành phần như DAP, MAP hay đa thành phần như NPK. 

Tương tự như ure, mức thuế suất xuất khẩu phân bón Supe lân cũng được Hiệp hội kiến nghị điều chỉnh về 0% từ mức 5% hiện tại. Trước khi Nghị định 26 có hiệu lực, Supe lân được áp thuế suất thuế xuất khẩu là 0%.

Lý do được đưa ra bởi tổng công suất sản xuất phân bón Supe lân tại Việt Nam của 4 nhà máy khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn/năm. Sản lượng phân lân nung chảy của 3 Nhà máy khoảng hơn 600.000 tấn/năm. Tổng sản lượng 2 loại lân, Supe lân và lân nung chảy có thể đạt hơn 2 triệu tấn/năm. Hiện nay, Supe lân sản xuất trong nước được sử dụng trực tiếp và sử dụng để sản xuất NPK. 

“Như vậy, năng lực sản xuất Supe lân đang dư thừa tới hàng triệu tấn/năm, cần phải có đầu ra xuất khẩu cho các doanh nghiệp sản xuất SSP để duy trì sản xuất, hoặc phải thu hẹp sản xuất vì cầu trong nước đang xuống mức khá thấp.

Mặt khác, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng Supe lân xuất khẩu của Việt Nam rất nhỏ, năm 2022 sản lượng chưa tới 100.000 tấn/năm”, Công văn góp ý cho biết.

Để khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất loại phân bón hoàn toàn mới, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng kiến nghị áp dụng thuế suất khẩu phân bón kali sulphate (K2SO4, tên thương mại SOP) ở mức 0%.

Việt Nam hiện có Công ty SOP Phú Mỹ là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam và thứ hai tại Đông Nam Á sản xuất SOP với công suất 40.000 tấn/năm, suất đầu tư khá lớn. Công ty này cung ứng khoảng 60% cho thị trường trong nước, số còn lại xuất khẩu vì bà con nông dân chưa quen sử dụng SOP (hiện nay bà con nông dân thường sử dụng KCl, tên thương mại MOP).

Tương lai SOP sẽ được dùng nhiều vì trong thành phần không có chlor có thể ảnh hưởng tới chất lượng đất và chứa hai nguyên tố dinh dưỡng là kali và lưu huỳnh.

Lượng xuất khẩu của Công ty SOP khoảng hơn 10.000 tấn/năm, giá trị thuế rất nhỏ so với các ngành hàng khác nhưng lại có đóng vai trò quan trọng với một công ty duy nhất sản xuất SOP tại Việt Nam.

Dư thừa hàng triệu tấn mỗi năm, nhiều công ty phân bón đang đẩy mạnh xuất khẩu supe lân.

Dư thừa hàng triệu tấn mỗi năm, nhiều công ty phân bón đang đẩy mạnh xuất khẩu supe lân.

Loại phân bón khác được Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhất trí áp mức thuế 0% là DAP. Theo số liệu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, hiện các doanh nghiệp trong nước sản xuất DAP hàm lượng dinh dưỡng 60 - 61% với công suất thiết kế khoảng 660.000 tấn/năm. Trong khi đó, tổng nhu cầu DAP của cả nước khoảng 1 triệu tấn/năm (trong đó DAP hàm lượng 64% chiếm khoảng 70%, DAP hàm lượng 60 - 61% chiểm khoảng 30%, tương đương 300.000 tấn/năm).

Như vậy, nhu cầu DAP hàm lượng 60 - 61% sử dụng trong nước chiểm chưa tới 50% so với công suất sản xuất. Việc xuất khẩu DAP loại 60 - 61% cần được khuyến khích để các doanh nghiệp DAP duy trì ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, khích lệ sản xuất

Bày tỏ ý kiến về dự Dự thảo Nghị định Bộ Tài chính đang xây dựng, TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhất trí hoàn toàn với quan điểm của Bộ Tài chính khi xây dựng và trình Chính phủ.

TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam: Cần cân nhắc mức áp thuế xuất khẩu đối với một số loại phân bón trong nước đã sản xuất dư so với nhu cầu như urea, supe lân. Ảnh: PT.

TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam: Cần cân nhắc mức áp thuế xuất khẩu đối với một số loại phân bón trong nước đã sản xuất dư so với nhu cầu như urea, supe lân. Ảnh: PT.

Cụ thể, việc bỏ không áp dụng quy định xác định thuế suất thuế xuất khẩu theo giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng so với mức 51% do phát sinh chi phí cho việc phải theo dõi kê khai các chi phí liên quan.

Đặc biệt, việc điều chỉnh chính sách áp dụng thuế xuất khẩu mặt hàng phân bón theo nguyên tắc “áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với loại phân bón trong nước chưa sản xuất được hoặc không đáp ứng đủ phải giữ lại cho tiêu dùng trong nước và mức thuế suất thuế xuất khẩu 0% đối với loại phân bón trong nước đã sản xuất đủ nhu cầu hoặc dư thừa”.

Tuy nhiên, căn cứ nguyên tắc xây dựng Nghị định, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính trong dự thảo Nghị định xem xét, cân nhắc mức áp thuế xuất khẩu đối với một số loại phân bón trong nước đã sản xuất dư so với nhu cầu như ure, supe lân.

Riêng đối với mặt hàng phân bón SOP (kali sulphate), lý do áp thuế suất thuế xuất khẩu thấp được lãnh đạo Hiệp hội lý giải, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam sản xuất loại phân bón kali sẽ được sử dụng nhiều trong tương lai, trong khi hiện nay người dân chưa có thói quen sử dụng.

“Các Nghị định trên nhằm mục tiêu góp phần hạ giá thành phân bón, giữ lại nguồn phân bón cho sử dụng trong nước, ổn định nguồn cung, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận trong quá trình thực hiện”, TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam đánh giá.

                                                                                                                                            Phương Thảo

Từ khóa: ,