Phân lân nung chảy Văn Điển đánh dấu chặng đường lịch sử 60 năm

17/10/2023 | Lượt đọc: 76142

Sáng 15/10, Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển (1963 - 2023), ghi dấu bước tiến vững mạnh của công ty.

+

Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thừa ủy quyền của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tặng Trướng lưu niệm Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển. Ảnh: Phương Thảo.

Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thừa ủy quyền của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tặng Trướng lưu niệm Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển. Ảnh: Phương Thảo.

Được mệnh danh là “đứa con đầu lòng của nền công nghiệp phân bón và hóa chất Việt Nam”, Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển (VADFCO) thành lập năm 1963, trải qua nhiều chặng đường xây dựng, phát triển cùng thăng trầm lịch sử dân tộc, công ty đã trở thành nhà sản xuất phân bón hàng đầu Việt Nam.

Điểm lại những mốc lịch sử của công ty, ông Văn Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển chia sẻ, 60 năm trước, Nhà máy Phân lân Văn Điển nay là Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển chính thức đi vào sản xuất, hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên được giao là 6.600 tấn phân lân nung chảy. Đây là thành tích rất đáng tự hào của các cán bộ, công nhân viên trong điều kiện cực kỳ khó khăn lúc đó.

Sản phẩm của Công ty được sản xuất theo công nghệ lò cao với nguyên liệu là quặng Apatit loại 1, quặng Secpentin và than cốc. Cơ ngơi ban đầu của công ty là hai lò cao, công suất 10.000 tấn/năm. Các cán bộ, lãnh đạo đầu tiên của công ty đã trải qua bao gian nan vất vả, vừa xây dựng cơ sở vật chất vừa đào tạo phát triển nhân lực.

“Với tinh thần vượt khó, phát huy nội lực, cán bộ, công nhân viên công ty qua các thời kỳ đã có nhiều sáng tạo, nghiên cứu áp dụng thành công hàng loạt đề tài khoa học công nghệ, góp phần quyết định cho phát triển phân lân nung chảy Việt Nam. Điển hình là các giải pháp kỹ thuật nghiên cứu sử dụng 100% than antraxit nội địa làm nguyên nhiên liệu thay than cốc nhập ngoại”, ông Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, qua các thời kỳ, Công ty đã nghiên cứu ra các giải pháp nâng cao năng suất lò, giảm định mức tiêu thụ nguyên nhiên liệu, tái sử dụng 100% nguyên liệu, phế thải rắn, tuần hoàn 100% nước thải, giảm giá thành sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm tài nguyên cho đất nước.

Ngoài ra, công ty còn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được cấp bằng lao động sáng tạo, 6 bằng độc quyền sáng chế và độc quyền giải pháp hữu ích, được áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm phân lân nung chảy đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Văn Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển chia sẻ, với tinh thần vượt khó, phát huy nội lực, cán bộ, công nhân viên VADFCO qua các thời kỳ đã có nhiều sáng tạo, nghiên cứu áp dụng trong sản xuất. Ảnh: Phương Thảo.

Ông Văn Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển chia sẻ, với tinh thần vượt khó, phát huy nội lực, cán bộ, công nhân viên VADFCO qua các thời kỳ đã có nhiều sáng tạo, nghiên cứu áp dụng trong sản xuất. Ảnh: Phương Thảo.

Khi chuyển sang cơ chế thị trường, ông Sơn cho biết, công ty là đơn vị tiên phong hợp tác với các trường đại học, các nhà khoa học để nghiên cứu sản xuất nhiều loại phân bón, phù hợp với từng vùng đất, từng loại cây trồng khác nhau, nâng cao hiệu quả giảm chi phí cho nông dân.

Nhờ vậy, sản phẩm của công ty đã có mặt ở mọi miền đất nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường: Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia, Nhật Bản… Phân bón Văn Điển trở thành thương hiệu uy tín trên thị trường.

“Trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, từ sản phẩm phân lân nung chảy Văn Điển đầu tiên, công ty đã trở thành một trong những đơn vị sản xuất phân bón trọng điểm của cả nước. Công suất thiết kế ban đầu là 20.000 tấn/năm đã nâng lên 450.000 tấn/năm. Công ty cung ứng cho sản xuất nông nghiệp trên 6 triệu tấn phân lân nung chảy và phân bón NPK các loại”, ông Văn Hồng Sơn cho biết.

Để có được kết quả đó, Tổng Giám đốc công ty bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến các các bộ lãnh đạo, công nhân viên của công ty đã đóng góp công sức trong chặng đường 60 năm qua.

Nhằm xây dựng và phát triển công ty bền vững trong những năm tiếp theo, theo ông Văn Hồng Sơn, ban lãnh đạo công ty sẽ tập trung cải tiến công tác quản lý đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công tác marketing quảng bá sản phẩm. Nghiên cứu đổi mới công nghệ, cải thiện đời sống người lao động. Công ty đặt mục tiêu khẳng định vị trí thương hiệu là đối tác tin cậy, là người bạn đồng hành của nhà nông.

Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam biểu dương những thành tích Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển đạt được trên chặng đường 60 năm. Ảnh: Phương Thảo.

Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam biểu dương những thành tích Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển đạt được trên chặng đường 60 năm. Ảnh: Phương Thảo.

Ghi nhận những thành tựu của công ty, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhìn nhận, với bề dày lịch sử 60 năm hình thành, phát triển, tập thể ban lãnh đạo và người lao động Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển đã đoàn kết, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chiến lược của đất nước.

Từ ngày 1/1/2010, Công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần để tiếp tục phát triển toàn diện, cải thiện đời sống cho người lao động, bảo đảm lợi ích cho các cổ đông.

Trong 60 năm qua, Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển là một trong các đơn vị có đóng góp to lớn cho sự phát triển của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung.

“Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm, kinh nghiệm, bản lĩnh vững vàng của nhiều lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên và trí tuệ tập thể đã được tôi luyện trong 60 năm qua sẽ là cơ sở vững chắc để công ty vượt qua thách thức, tiếp tục có những bước phát triển mới ở chặng đường tiếp theo”, ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Biểu dương những thành tích của Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã tặng Trướng lưu niệm và Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã tặng Bằng khen cho Công ty tại buổi lễ.

Lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy

Văn Điển (1963 - 2013)

 
 

Nhà máy Phân lân Văn Điển được nước bạn giúp đỡ khởi công xây dựng từ tháng 2/1960. Ngày 1/10/1963 Nhà máy chính thức được khánh thành đi vào sản xuất.

Trong giai đoạn vừa sản xuất vừa chiến đấu (1965 - 1975), bị đánh phá đến 48 lần, nhưng suốt 10 năm chống chiến tranh, ngoại trừ năm 1967, công ty đều hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao.

Giai đoạn 10 năm sau ngày Thống nhất (1976 - 1985), công ty được Nhà nước đầu tư xây thêm 1 lò cao có công suất 50.000 tấn/năm, nâng tổng công suất lên 90.000 tấn/năm. 

Giai đoạn đổi mới từ năm 1986, công ty nghiên cứu khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, đạt 2 Bằng độc quyền sáng chế: Công trình nghiên cứu đóng bánh quặng mịn, than cám thành nguyên liệu nhiên liệu sản xuất, giảm 10 - 15% giá thành, tiết kiệm tài nguyên đất nước. Công trình nghiên cứu cải tiến lò cao sản xuất phân lân nung chảy phù hợp với công nghệ sản xuất bằng than antraxite, nâng công suất lò cao từ 1,5 tấn/h lên 5,7 tấn/giờ và đến nay là trên 11 tấn/giờ.

Từ năm 1990, Nhà nước chuyển sang kế hoạch hóa định hướng, các doanh nghiệp chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường, công ty luôn là lá cờ đầu trong ngành công nghiệp phân bón và hóa chất Việt Nam.

Trong 60 năm xây dựng và phát triển, Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, 5 Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng, nhiều hình thức tôn vinh, ghi nhận của Chính phủ và các ngành, các cấp.

                                                                                                                                                   Phương Thảo

Từ khóa: ,