Thị trường phân đạm toàn cầu đứng trước nhiều thách thức

10/4/2023 | Lượt đọc: 74331

Trong năm 2022, một số yếu tố vĩ mô đã tác động mạnh đến thị trường phân bón toàn cầu, đó là chiến tranh Nga-Ucraina, giá khí thiên nhiên tăng cao, các yếu tố thời tiết và tiền tệ. Bước sang năm 2023, những yếu tố đó sẽ tiếp tục thách thức thị trường, ảnh hưởng đến nguồn cung và giá các loại phân bón.

+

Nhu cầu phân bón toàn cầu

Trong năm 2021, lượng sử dụng phân bón toàn cầu đã giảm 1,6% xuống 200,6 triệu tấn, sau khi tăng 6% lên 203,8 triệu tấn trong năm 2020. Tuy nhiên, lượng sử dụng phân đạm giảm nhẹ hơn so với phân lân và phân kali, chỉ giảm 0,2% trong năm 2021 sau khi đã tăng 4% trong năm 2020.
Theo Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA), nguyên nhân của sự suy giảm nhu cầu sử dụng như trên là do giá phân bón tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế, tác động của chiến tranh Nga-Ucraina và một số lượng phân bón đã được mua trong những năm trước đó.

Trong báo cáo tháng 7/2022 về triển vọng trung hạn 2024-2026 của thị trường phân bón thế giới, IFA dự báo trong trường hợp xấu nhu cầu phân bón toàn cầu có thể chỉ đạt 194,6 triệu tấn vào năm 2026, tăng hơn 2 triệu tấn so với năm 2019 nhưng thấp hơn 9 triệu tấn so với năm 2020. 

Nguồn cung phân đạm

Nguồn cung và giá phân đạm đang chịu tác động của nhiều sự kiện địa chính trị trên thế giới. Giá phân đạm hiện đang ở những mức cao và các chuyên gia thị trường không tin rằng những mức giá này sẽ sớm quay đầu giảm. 

Theo dự báo của các chuyên gia tại Ngân hàng Rabobank (Hà Lan), trong quý I/2023 giá một số dạng phân đạm như urê có thể sẽ tăng cao hơn, trong khi đó giá một số dạng phân đạm khác như UAN và NH­3­ sẽ duy trì ở mức từ ổn định đến tăng cao trong thời gian đầu năm. 

Trong bối cảnh đang có nhiều dao động mạnh trên thị trường phân đạm toàn cầu, sẽ có ít cơ hội để giá phân đạm có thể giảm xuống thấp trong năm 2023. Trong thời gian nửa đầu năm, giá phân đạm có thể tăng nhẹ, nhưng trong những quý cuối của năm sẽ giữ ở mức ổn định. 

Trước khi bước sang năm 2023, trên thị trường phân đạm đã có nhiều dao động và bất ổn. Các vấn đề về nguồn cung phân đạm sẽ không sớm được giải quyết, vì vậy sẽ tiếp tục tác động khiến cho giá tăng cao. 

Một phần nguyên nhân dẫn đến triển vọng không sáng sủa của sản xuất phân đạm trên thế giới là lượng phân đạm được sản xuất ở khu vực Biển Đen, vì gần một phần ba công suất mở rộng dự kiến trên toàn cầu trong thời gian 2022-2026 nằm ở Nga và Belarut. Do cuộc chiến tranh đang tiếp diễn giữa Nga và Ucraina nên hiện nay không thể biết khi nào những dự án mở rộng công suất của Nga và Belarut mới có thể cung ứng sản phẩm ra thị trường.

Trong báo cáo tháng 7/2022, IFA dự báo công suất phân đạm toàn cầu năm 2026 sẽ nằm trong phạm vi từ dưới 160 triệu tấn đến khoảng 170 triệu tấn.

Tác động của giá khí thiên nhiên

Trong số nhiều yếu tố sẽ ảnh hưởng đến thị trường phân bón toàn cầu, giá khí thiên nhiên là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất. 

Điều đó đặc biệt đúng đối với châu âu, nơi sản lượng phân đạm đã bị cắt giảm trong mùa hè 2022 do giá khí thiên nhiên tăng cao.

Khu vực Tây và Trung Âu sản xuất khoảng 5% nguồn cung urê, 21% nguồn cung UAN và khoảng 8% nguồn cung amoniăc khan trên thế giới. Vì vậy, các vấn đề về sản xuất ở châu âu sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung và giá trên thị trường phân bón toàn cầu.    

Gần đây giá khí thiên nhiên đã giảm nhẹ, cho phép một số nhà máy sản xuất phân đạm đã ngừng hoạt động ở châu âu có thể mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, mặc dù một số nhà máy phân bón mới có thể khởi động trở lại sau khi giá khí thiên nhiên giảm, nhưng nhiều nhà máy loại cũ có thể sẽ không bao giờ được đưa trở lại vận hành. Điều đó sẽ góp phần tác động bất lợi đến nguồn cung trên thị trường.

Vì vậy, câu hỏi về sản lượng phân đạm của châu âu hiện vẫn chưa có lời giải rõ ràng.

Ảnh hưởng của thời tiết

Một yếu tố khác tác động đến triển vọng thị trường là các vấn đề thời tiết khác nhau ảnh hưởng đến nguồn cung phân đạm.

Thông thường, mỗi đợt không khí lạnh tràn về sẽ làm giảm nguồn cung khí thiên nhiên cả ở châu âu và Bắc Mỹ, kéo theo các vấn đề về nguồn cung phân đạm.

Trong khi đó, các vấn đề thời tiết ở Mỹ, đặc biệt là tình trạng khô hạn nặng ở miền Trung Tây, đã ảnh hưởng bất lợi đến mực nước sông Mississippi, cản trở hoạt động vận chuyển phân bón trên sông đi lên vùng lưu vực phía Bắc, khiến cho giá phân đạm tăng cao.

Các vấn đề tiền tệ

Những vấn đề về tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến thị trường phân bón trong thời gian tới. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ điều chỉnh lãi suất sẽ ảnh hưởng đến chi phí nhập khẩu phân đạm vào Bắc Mỹ. Giá phân bón sẽ tăng cao hơn nếu đồng USD suy yếu trên thị trường thế giới.

Tương tự như các yếu tố khác, tình trạng của nền kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng đến giá phân bón. Nhìn chung, sự suy giảm của kinh tế thế giới sẽ tác động bất lợi đến thị trường phân bón toàn cầu. 


Nguồn:Bản tin Công nghiệp Hóa chất số 8(3/2023)

Từ khóa: ,