Thị trường phân bón thế giới rơi vào hỗn loạn

21/7/2023 | Lượt đọc: 74210

Kiện hàng bị giữ lại nhiều tháng tại cảng Rotterdam (Hà Lan) là loại hàng quý đến mức Liên hợp quốc đã phải can thiệp để giúp cho nó được thông quan. Cuối năm 2022, chương trình lương thực thế giới (WFP) đã thuê một chiếc tàu để vận chuyển số hàng này đến Mozambique, từ đó nó được chở bằng xe tải đến đích cuối cùng là Cộng hòa Malawi - một quốc gia nhỏ nằm ở Đông Nam Phi.

+

Số hàng đó không phải là ngũ cốc hoặc ngô, mà là 20.000 tấn phân bón Nga - thứ hàng hóa đang trở nên ngày càng khan hiếm.

Khoảng 20% dân số Malawi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cấp bách về mất an ninh lương thực, khiến cho việc sử dụng phân bón để tăng sản lượng nông sản trở nên quan trọng hơn tất cả.

Nhưng Malawi chỉ là một trong 48 quốc gia ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ La tinh được Quỹ Tiền tệ thế giới xác định đang gặp nhiều khó khăn sau những cú sốc về giá lương thực và phân bón do chiến tranh Nga-Ucraina gây ra. Một năm sau khi cuộc chiến tranh này bắt đầu, Liên hợp quốc đã đánh giá các thị trường phân bón thế giới là yếu tố rủi ro hàng đầu đối với nguồn cung lương thực thực phẩm toàn cầu năm 2023.

Bên cạnh vấn đề nhân đạo, nhận thức rằng phần lớn thế giới hiện đang phụ thuộc vào nguồn cung phân bón từ chỉ một vài quốc gia - chủ yếu là Nga cùng với các nước đồng minh như Belarut và Trung Quốc - đã gióng lên hồi chuông báo động giữa các nước phương Tây. Cũng như chất bán dẫn đã trở thành tiêu điểm của các căng thẳng địa chính trị, cuộc chạy đua tìm kiếm nguồn cung phân bón đã báo động Mỹ và các nước đồng minh về sự phụ thuộc có tính chiến lược vào phân bón và các sản phẩm nông hóa - yếu tố quan trọng đối với an ninh lương thực.

Nhận thức trên đã đưa phân bón và những bên kiểm soát nó lên hàng đầu của chương trình nghị sự chính trị trên thế giới: Các chuyên gia Bộ Ngoại giao Mỹ đã phải giở sách đọc lại những kiến thức về phân bón, tổng thống các nước đưa ra những nhận xét trên mạng xã hội về thị trường phân bón, phân bón được đề cập trong các chiến dịch tranh cử và trở thành tâm điểm căng thẳng cũng như công cụ ngoại giao giữa các quốc gia.

Cú sốc trên thị trường phân bón toàn cầu năm 2022 đã làm nổi bật vai trò của Nga và Belarut -  hai quốc gia xuất khẩu gần một phần tư toàn bộ lượng chất dinh dưỡng cây trồng trên thế giới. Tuy các sản phẩm nông nghiệp của Nga (kể cả các loại phân bón N,P,K) không phải chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhưng lượng xuất khẩu vẫn bị giảm mạnh do sự kết hợp của những rối loạn ở các cảng, hoạt động vận chuyển, giao dịch ngân hàng và bảo hiểm.

Các chuyên gia Nga cho rằng những biện pháp trừng phạt của Liên minh Châu âu đã khiến cho hoạt động thương mại với Nga bị hạn chế đến mức ngăn không cho 13 triệu tấn phân bón được vận chuyển kể từ khi bắt đầu chiến tranh Nga-Ucraina.

Nguồn cung eo hẹp

Những rối loạn thị trường khiến cho giá phân bón tăng mạnh trong mùa hè 2022 đã dẫn đến xu hướng mua tích trữ ở những quốc gia có khả năng tài chính mạnh. Tuy giá phân bón sau đó đã giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn trước đại dịch COVID-19. Trên thực tế, nguồn cung phân bón cho các nước nghèo đang bị hạn chế. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn do các biện pháp trừng phạt đối với Belarut - quốc gia sản xuất phân kali hàng đầu thế giới, cùng với quyết định của Trung Quốc - một trong những quốc gia xuất khẩu phân đạm và phân lân lớn nhất thế giới – đặt ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu để bảo vệ nguồn cung cho ngành nông nghiệp trong nước.

Do hậu quả của những động thái trên, mặc dù giá phân bón đã giảm hơn 50% so với mức đỉnh năm 2022 nhưng những người nông dân ở Đông Nam Á và châu Phi vẫn phải chịu ảnh hưởng nhiều hơn nông dân ở Mỹ, Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Ngân hàng phát triển châu Phi cảnh báo rằng việc giảm sử dụng phân bón sẽ làm giảm 20% sản lượng lương thực, trong khi đó WFP nhận thấy những người dân thường ở các nước đang phát triển có rủi ro rơi vào một cuộc khủng hoảng thiếu lương thực.

Trong Hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 11/2022, Tổng thống Inđônêxia Joko Widodo cảnh báo các quốc gia trên thế giới sẽ trải qua một năm ảm đạm nếu không có những biện pháp ngay lập tức để đảm bảo nguồn cung các chất dinh dưỡng cây trồng với giá cả phải chăng. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết sẽ tập trung nỗ lực để phi chính trị hóa nguồn cung phân bón toàn cầu, sao cho những căng thẳng địa chính trị không dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Những nỗ lực gia tăng sản xuất

Trước hậu quả của các tác động địa chính trị và những bất ổn về nguồn cung trên thị trường phân bón, Công ty Nutrien - nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới với trụ sở tại Saskatoon (Canađa) - đang mở rộng sản xuất tại các mỏ kali của mình. Công ty dự định đến năm 2026 sẽ tăng 40% sản lượng so với năm 2020.

Cách đây 18 tháng, Công ty TNHH BHP Billiton (Ôxtrâylia) đã quyết định xây dựng một mỏ kali lớn tại Saskatchewan nhưng hiện nay Công ty đang tìm kiếm phương án tăng sản lượng của mỏ lên gấp đôi.

Theo dữ liệu của Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), nhiều quốc gia nhập khẩu ròng phân bón ở châu Mỹ La tinh, Đông Âu và Trung Á đang phụ thuộc hơn 30% vào nguồn nhập khẩu các loại phân bón N, P, K của Nga.

Cuộc chạy đua tìm kiếm nguồn cung phân bón đã dẫn đến những nỗ lực khuyến khích xu hướng tự cung tự cấp. Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố chương trình trợ cấp 500 triệu USD để tăng sản lượng phân bón sản xuất tại Mỹ, đưa hoạt động sản xuất và công ăn việc làm trở về nước Mỹ.

Mỹ là quốc gia vừa sản xuất vừa nhập khẩu phân bón, trong khi đó các nước châu Mỹ La tinh phụ thuộc đến 83% vào nguồn phân bón nhập khẩu, chủ yếu từ Nga, Trung Quốc, Belarut.

Những thách thức về nguồn cung phân bón trên toàn cầu

Nhiều quốc gia sản xuất và xuất khẩu nông sản ở châu Mỹ La tinh đang gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung phân bón cho ngành nông nghiệp. Ví dụ, chính phủ Peru - quốc gia xuất khẩu hoa quả hàng đầu thế giới - vừa qua đã nhiều lần thất bại trong việc đảm bảo nguồn nhập khẩu phân bón, vì vậy đã bắt đầu chương trình khuyến khích và hỗ trợ người nông dân tăng sử dụng các loại phân bón hữu cơ như phân chim biển. Nhưng nhiều người nông dân nhỏ không thể mua đủ phân bón nên đã phải giảm lượng sử dụng, dẫn đến rủi ro giảm năng suất và chất lượng nông sản.

Trong khi châu Mỹ La tinh bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng phân bón hiện nay thì đất nước Marốc tại châu Phi lại là một trong những bên hưởng lợi lớn. Nhờ sở hữu 70% trữ lượng quặng phốtphat toàn cầu (50 tỉ tấn), Marốc và Công ty OCP của nước này đã trở thành yếu tố quan trọng then chốt đối với an ninh lương thực trong một thế giới đang chịu ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Nga-Ucraina.

Công ty OCP đã cam kết tăng gấp đôi nguồn cung phân bón cho châu Phi trong năm 2023, lên khoảng 4 triệu tấn. Tuy nhiên, Marốc đang bị sa vào cuộc tranh chấp với nước láng giềng Algiêri về địa vị của vùng Tây Sahara, trong đó phân bón cũng đóng một vai trò. Quan hệ giữa hai nước đã xấu đi sau khi thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 3 thập niên bị phá vỡ vào năm 2020.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm đứt gãy nguồn cung phân bón từ Nga, khi hơn 400.000 tấn phân bón bị giữ lại tại các cảng châu âu vào tháng 11/2022. Liên hợp quốc cho rằng vấn đề chính nằm ở việc các công ty bảo hiểm vận tải không muốn bảo hiểm cho hàng hóa của Nga và các ngân hàng nông nghiệp chủ chốt đã không thể thực hiện các giao dịch tài chính từ khi Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Tuy Mỹ và EU đã ra tuyên bố chung về việc các ngân hàng, các công ty bảo hiểm, các công ty vận tải cũng như các bên liên quan có thể tiếp tục đưa lương thực và phân bón của Nga ra thị trường thế giới, nhưng phân bón vẫn chưa được vận chuyển đầy đủ đến các quốc gia đang gặp khó khăn ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ La tinh. Nhiều nông dân ở những quốc gia này cho biết, đất của họ đã quen với phân bón, vì vậy không có phân bón họ không thể thu hoạch được gì đáng kể, tình hình của họ đang trở nên thực sự khốn khó.


                                                                                                                          Nguồn:Bản tin Công nghiệp Hóa chất số 12

Từ khóa: ,