Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các Bộ, ngành, Hiệp hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

3/4/2019 | Lượt đọc: 20182

-

+

Ngày 1 tháng 4 năm 2019, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì làm việc với 5 bộ về 23 kiến nghị cần tháo gỡ cho nông nghiệp, tham dự cuộc họp còn có ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện Viện Quản lý kinh tế trung ương. Về phía Hiệp hội Phân bón Việt Nam có ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký và ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

Các vấn đề được đề cập bao gồm chồng chéo trong kiểm tra chất lượng và kiểm dịch nguyên liệu thức ăn, vướng mắc trong quy định nhập khẩu nguyên liệu để gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu từ tàu hải sản, về thời gian xem xét hồ sơ đăng ký sản phẩm thuốc thú y, về quy định hồ sơ truy suất nguồn gốc lâm sản nhập khẩu,….riêng về lĩnh vực phân bón có 6 kiến nghị bao gồm định nghĩa về phân bón giả, phân bón kém chất lượng, giảm một số thủ tục trong khảo nghiệm phân bón, sửa đổi Luật 71 về khấu trừ thuế VAT đối với nguyên liệu đầu vào và chi phí đầu vào gây bất lợi cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, về chậm xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Sau khi nghe đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải trình làm rõ, tiếp thu, trong đó có một số vấn đề sẽ được xem xét sửa đổi tại Nghị định quản lý phân bón hướng dẫn Luật Trồng trọt, ông Phùng Hà và ông Nguyễn Trí Ngọc đã phát biểu làm rõ thêm về Luật 7, về các bất hợp lý trong khảo nghiệm, về số lượng chủng loại phân bón NPK quá nhiều, về đẩy nhanh việc xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ. Theo ông Vũ Tiến Lộc, tại sao các Bộ từ Tài chính, đến Công Thương, đến Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội, các doanh nghiệp đều thấy cần thiết là phải trình Quốc hội sửa đổi phần liên quan đến khấu trừ thuế VAT trong Luật 71 mà quy trình lại kéo dài như thế. Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận các vấn đề còn bất cập về khảo nghiệm phân bón, về công nhận lẫn nhau, về công nhận tương đương và sẽ được nghiên cứu, xem xét trong dự thảo Nghị định mới. Tuy nhiên có những điểm chưa hợp lý lại được quy định trong Luật Trồng trọt, vì thế các góp ý sửa đổi lại liên quan đến sửa Luật Trồng trọt số 31/2018/QH 14 ban hành ngày 19 tháng 11 năm 2018 hiện còn chưa có hiệu lực (có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2020)./.

Từ khóa: , , ,