Tọa đàm “Đề nghị xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”

2/6/2023 | Lượt đọc: 74738

Ngày 29 tháng 5 năm 2023, Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ), Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã phối hợp với GIZ (Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức) Tọa đàm “Đề nghị xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”, buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà chuyên môn, người xây dựng chính sách, các hiệp hội, cụ thể: một số Cục, Vụ của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Đại học Luật,…

+

Buổi tọa đàm thuộc bước đầu tiên trong quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là VBQPPL) theo các quy định hiện hành.
1) Quy trình xây dựng VBQPPL
Bước 1: Lập đề nghị xây dựng VBQPPL:
Các trường hợp phải lập đề nghị xây dựng VBQPPL bao gồm: Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND. Theo đó, việc lập đề nghị xây dựng VBQPPL được quy định như sau:
- Xây dựng nội dung chính sách, đánh giá tác động của chính sách thuộc về Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp được đại biểu Quốc hội đề nghị hỗ trợ lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.
- Trách nhiệm lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng VBQPPL thuộc về cơ quan lập đề nghị.
- Thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL: Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổ chức thẩm định đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Chính phủ trình, nghị định của Chính phủ. Sở Tư pháp có trách nhiệm tổ chức thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cùng cấp trình.
- Thông qua đề nghị xây dựng VBQPPL: Chính phủ xem xét đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
- Lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh: Bộ Tư pháp có trách nhiệm xây dựng dự thảo đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.Trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Bước 2: Soạn thảo, thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL:
- Cơ quan soạn thảo: Bộ Tư pháp có trách nhiệm Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp soạn thảo. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập Ban soạn thảo trong các trường hợp bộ, cơ quan ngang bộ được phân công chủ trì soạn thảo.
- Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm đề xuất và lập danh mục văn bản quy định chi tiết.
- Bộ Tư pháp và sở tư pháp có trách nhiệm tiếp nhận, tổng hợp các đề xuất để lập danh mục văn bản quy định chi tiết, xem xét, quyết định danh mục văn bản quy định chi tiết.
- Đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: Trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét, cho ý kiến về dự thảo, nếu có chính sách mới được đề xuất thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đề xuất chính sách phải xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách mới trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày đề xuất chính sách mới.
- Xử lý hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tại Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Cơ quan chủ trì soạn thảo chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến của Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự án, dự thảo. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình Quốc hội dự án luật, nghị quyết; tờ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án pháp lệnh, nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành nghị định sau khi Chính phủ thông qua.
- Thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL do Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thực hiện.
Bước 3: Công báo và niêm yết VBQPPL:
- Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm xuất bản Công báo in nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quản lý Công báo điện tử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm xuất bản Công báo in cấp tỉnh và quản lý Công báo điện tử cấp tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm về việc không đăng Công báo, đăng chậm, đăng không toàn văn, đầy đủ, chính xác văn bản trên Công báo.
- Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phải được niêm yết chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Hội đồng nhân dân ký chứng thực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký ban hành. Thời gian niêm yết ít nhất là 30 ngày liên tục, kể từ ngày niêm yết.
2) Những nội dung liên quan đến thuế giá trị gia tăng (GTGT) nói chung và thuế giá trị gia tăng đối với phân bón nói riêng
Theo Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính do bà Trần Thị Tuyết, Trưởng phòng Vụ Chính sách thuế, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đáp ứng những yêu cầu từ thực tiễn phát sinh, phù hợp với xu hướng cải cách thuế GTGT của các nước,…cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về khấu trừ thuế, hoàn thuế GTGT theo hướng đơn giản, minh bạch và đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan. Về đối tượng không chịu thuế GTGT: thực tiến phát sinh vướng mắc, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp như phân bón, máy móc thiết bị chuyên dụng cho nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm, bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại. Do không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mua sắm. sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao.
Bài trình bày của Học viện Ngân hàng chỉ ra các bất cập của Luật Thuế GTGT hiện hành, có khá nhiều nhóm đối tượng không chịu thuế, 25 nhóm nên đôi khi chưa bao quát hết nguồn thu; Nhóm đối tượng chịu thuế GTGT 5% cần được rà soát, thu hẹp lại, tiến tới áp dụng một mức thuế suất phổ thông; Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa đổi quy định về phương pháp tính thuế trực tiếp trên GTGT. Luật Thuế GTGT sửa đổi cần tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển.
Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính đề xuất 03 phương án cải cách thuế GTGT đến năm 2030. Phương án 1: Giữ nguyên các mức thuế suất thuế GTGT như quy định hiện hành, đồng thời thu hẹp dần các nhóm hàng hóa và dịch vụ không chịu thuế chuyển sang đối tượng chịu thuế GTGT (ngoại trừ các hàng hóa thiết yếu). Phương án 2, trong giai đoạn 2026-2028, thu gọn các mức thuế suất (ngoài mức 0%) để đơn giản hóa chính sách thuế GTGT. Phương án 3: Nghiên cứu tăng thuế suất thuế GTGT trong giai đoạn 2029- 2030 theo lộ trình và thực hiện tăng thuế suất thuế GTGT sau năm 2030.
Báo cáo viên của Đại học Kinh tế Quốc dân cung cấp xu hướng cải cách thuế GTGT của các quốc gia trên thế giới, bao gồm đối tượng không chịu thuế GTGT và mức thuế suất thuế GTGT, cụ thể có 122 nước có mức thuế suất từ 13-27%, 26 nước có mức thuế suất từ 10 đến 13%, 16 nước có mức thuế suất dưới 10%, ở các nước khu vực, Lào, Indonesia, Campuchia có mức thuế suất 10%, Trung Quốc 13%, Philippines 12%, Singapore 8%. Theo thống kê của IMF có 47,6% các nước áp dụng một mức cho thuế GTGT.
Theo Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật Thuế GTGT hiện hành quy định phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT phát sinh những bất cập khiến nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực cạnh tranh, tăng giá thành mặt hàng sản xuất trong nước, trong khi lại không áp dụng với mặt hàng nhập khẩu cùng loại. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chính sách thuế GTGT được thiết kế theo hướng ưu tiên hơn so với các mặt hàng thông thường khác. Để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm phân bón thế hệ mới, chất lượng cao, ….cần thiết đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT ở mức ưu đãi (dưới 10%).
Đại diện của Học viện Tài chính cho rằng quy định phân bón, máy móc thiết bị phụ vụ cho sản xuất nông nghiệp,…là đối tượng không chịu thuế GTGT làm tăng giá thành và bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam đã có rất nhiều ý kiến đóng góp cho đề án xây dựng 2 luật sửa đổi, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng vấn đề thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón đã nóng trong nghị trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đây là thời điểm thích hợp để chuyển mặt hàng phân bón sang diện chịu thuế GTGT, cùng với mặt hàng phân bón, bà đề nghị bổ sung thêm mặt hàng thức ăn gia súc.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã làm rõ hơn về vai trò của ngành phân bón cũng như các bất cập khi áp dụng Luật 71 đối với mặt hàng phân bón. Hiện nay Việt Nam cần khoảng 10,5 đến 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó sản xuất khoảng 6,5- 7 triệu tấn, ngành phân bón là đầu vào quan trọng của trồng trọt, tùy theo thời vụ, theo giống cây trồng,…mà chi phí phân bón có thể chiếm từ 30-60% chi phí đầu vào. Phân bón đóng góp tới 60% việc tăng năng suất cây trồng. Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 quy định phân bón là đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Với mục tiêu nhằm hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp, năm 2014 Quốc hội đã thông qua Luật 71/2014/13 chuyển phân bón từ diện chịu thuế GTGT 5% sang diện không chjiu thuế. Tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế Luật 71 đã xẩy ra một số bất cập, khiến cho doanh nghiệp sản xuất phân bón rơi vào cảnh khó khăn. Về chính sách thuế GTGT ngày 27 tháng 9 năm 2022, tại Thông báo kết luận số 1486/TB-TTKQK về triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tại thông báo này, Chủ tịch Quốc hội đã kết luận đã kết luận đối với 32 nhiệm vụ lập pháp đã hòa thành việc nghiên cứu, rà soát nhưng chưa có đề xuất đưa dự án vào chương trình cần khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, 2023.
3) Kết luận
Thực hiện Thông báo kết luận số 1486/TB-TTQH nêu trên, Bộ Tài chính thực hiện lập đề nghị xây dựng đề án Luật Thuế GTGT (sửa đổi), trong đó có nội dung sửa đổi chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón. Đề cương dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), nêu rõ “Giải pháp chính sách sửa đổi, bổ sung một số hàng hóa, dịch  vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo hướng: giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp”. Đề cương dự thảo phần liên quan đến mặt hàng phân bón nhận đươc sự nhất trí hoàn toàn từ các đại biểu tham gia Tọa đàm./.
 

Từ khóa: ,