Việt Nam "cho không" các nước số tiền thuế rất lớn?

15/8/2023 | Lượt đọc: 74797

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi luật Thuế giá trị gia tăng, trong đó có đề xuất thay đổi nhiều mặt hàng từ không chịu thuế sang chịu thuế hoặc ngược lại.

+

Ưu đãi thuế đẩy hàng trong nước cao hơn nhập khẩu

Một nội dung đáng chú ý được Bộ Tài chính đề xuất trong dự thảo, đó là chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) như quy định hiện hành, sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất là 5%. 

Theo cơ quan soạn thảo, một số doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh phân bón đang gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm. 

Điều này gây bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại, không khuyến khích DN đầu tư, mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Xuất phát từ tình trạng trên, nhiều ý kiến đề nghị chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, qua đó sẽ tăng sức cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước.

Việt Nam 'cho không' các nước số tiền thuế rất lớn?  - Ảnh 1.

Bộ Tài chính đề xuất chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất là 5%

Bộ Tài chính đánh giá với đề xuất áp thuế GTGT 5% với phân bón, số thuế GTGT đầu vào của DN sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ khoảng 950 tỉ đồng; số thuế GTGT đầu vào còn lại (khoảng 250 tỉ đồng) sẽ được khấu trừ vào kỳ tiếp theo hoặc được hoàn thuế. Đây là cơ hội để phân bón sản xuất trong nước có thêm điều kiện cạnh tranh với hàng nhập khẩu, bằng việc có thêm cơ hội để hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc này cũng góp phần phát triển ngành sản xuất phân bón trong nước, tạo nguồn cung ổn định cho người nông dân, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, khắc phục việc giá cả không ổn định, cũng như sự biến động giá của phân bón nhập khẩu.

Theo ông Phùng Hà, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón VN, câu chuyện phân bón nằm trong nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT khiến một số DN sản xuất phân bón gặp bất lợi đáng kể đã được đề cập từ năm 2014, thời điểm luật 71 về thuế GTGT có hiệu lực. Ý tưởng ban đầu đưa phân bón vào đối tượng không chịu thuế GTGT là tốt nhưng khi đi vào thực tế, không những DN phân bón chịu thiệt hại mà người tiêu dùng phải mua hàng với giá cao hơn. 

Các DN không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nên phải đưa vào chi phí sản xuất, điều này làm cho giá thành sản phẩm tăng lên. Ước tính, với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỉ đồng mỗi năm, với số thuế GTGT không được khấu trừ ở mức 5%, các DN trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000 - 4.000 tỉ đồng/năm. 

Đây là con số rất lớn khi so sánh với lợi nhuận mà DN trong ngành này có được. Thêm vào đó, xét về công nghệ cũng như chủng loại, ngành phân bón nước ta còn ở mức độ trung bình nhưng khi DN muốn đầu tư vào phân bón công nghệ cao, phân bón thế hệ mới lại không được khấu trừ thuế cho máy móc, thiết bị dẫn tới không khuyến khích DN đầu tư.

Ngoài ra, phân bón hiện là mặt hàng nhập siêu, số lượng nhập khẩu mỗi năm ở mức 3 - 3,5 triệu tấn, chủ yếu các loại phân bón trong nước chưa sản xuất được như MOP (kali), SA... Mỗi năm thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 10,5 - 11 triệu tấn phân bón, trong đó các DN trong nước sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường từ 6,5 - 7 triệu tấn. 

Bên cạnh đó, các DN cũng xuất khẩu sang các thị trường như Lào, Campuchia, Hàn Quốc… với kim ngạch năm 2022 khoảng 1,1 tỉ USD (cao nhất từ trước đến nay). Theo ông Phùng Hà, việc đưa mặt hàng phân bón từ không chịu thuế GTGT lên 5% sẽ giải quyết được các bất cập thời gian qua như DN giảm được giá thành sản phẩm, tái đầu tư, đầu tư sản xuất phân bón công nghệ cao, phân bón thế hệ mới, giảm sự cạnh tranh bất bình đẳng nhất định giữa DN sản xuất trong nước và DN nhập khẩu…
                                                                                                                                                    Mai Phương - Thanh Xuân

Từ khóa: ,